Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân: Những việc cần làm ngay

Thứ tư, 30/09/2020, 07:46 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân: Những việc cần làm ngay

Hàng chục câu hỏi “nóng” của nông dân liên quan đến cơ chế, chính sách vay vốn; quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết chăn nuôi quy mô; xử lý nạn phân bón giả, cây giống rởm, tín dụng đen... đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành giải đáp tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 diễn ra tại Ðắk Lắk, chiều 28/9.

Vượt hơn 200 cây số sang Đắk Lắk tham dự hội nghị, bà Trần Thị Hoàng Anh (ở Gia Lai) nêu thực trạng phân bón giả tràn lan khiến cây trồng chết hàng loạt. Bà kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành đưa ra giải pháp triệt để chấm dứt tình trạng trên. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời: Từ sau 2016, Thủ tướng ra văn bản thống nhất một đầu mối giao Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý phân bón.
 
Hàng năm Việt Nam cần hơn 10 triệu tấn phân bón các loại; hiện có 4 triệu tấn phân bón hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong 4 năm qua có bước phát triển rất nhanh (có 125 nghìn ha sản xuất nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ). “Tuy nhiên, chúng ta còn phải tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, về các quy trình, ứng dụng... hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, xuất khẩu”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói thêm: “Anh Tuyến (Đại tá Lê Văn Tuyến - PV, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc nhất những tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ phân bón giả. Nông dân, hội nông dân các cấp phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất, bán phân bón giả phải báo ngay. Nhất quyết xử lý hình sự”.
 
Thủ tướng cũng mời bà Vi Thị Thanh (dân tộc Thái, Đắk Nông) - nông dân phản ánh tình trạng trồng mắc ca trên 5 năm tuổi vẫn chưa ra trái tại Hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam vào ngày 29/9, để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học về giống, cách chăm sóc đạt hiệu quả cao...
 
Vay 3 tỷ không cần thế chấp
 
Hội nghị tiếp tục “nóng” với nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Anh Kiều Viết Vân (Buôn Đôn, Đắk Lắk), người từng làm du lịch nhưng bỏ ngang để theo đuổi đam mê nông nghiệp, chia sẻ: “Bản thân nổi da gà khi nhìn lại chặng đường bỏ vốn đầu tư hơn 60 ha cam và 70 ha xoài. Để đầu tư 1 ha cây ăn quả từ lúc trồng đến thu hoạch hết 700 triệu đồng và tôi phải tự xoay vốn vì không tiếp cận được ngân hàng.
 
Tôi mong Thủ tướng, ngân hàng có cơ chế thoáng, coi những tài sản hình thành trên đất như tài sản đảm bảo cho vay vốn”.  Cùng tâm tư về chính sách vay vốn, anh Nguyễn Sỹ Thanh (Đắk Nông) nêu thực trạng hồ tiêu Tây Nguyên chết hàng loạt, giá cả giảm sâu khiến nhà nông gặp nhiều khó khăn. Anh mong Nhà nước khoanh, giãn, cho nhà nông vay vốn tái sản xuất.
 
 
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, việc vay vốn được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ, tạo thuận lợi cho nông dân. Giám đốc các ngân hàng tự quyết định cho vay thế chấp hay tín chấp, cũng như mức vay. Nhiều người được vay không thế chấp tới 3 tỷ đồng nếu chứng minh tài chính rõ ràng, quản lý dòng tiền tốt... Tây Nguyên đang gặp khó khăn kép (vừa do tác động dịch COVID-19 vừa do thiên tai, giá nông sản giảm). Ngân hàng Nhà nước cũng có khoản cho vay 2,4 nghìn tỷ đồng từ trong nhân dân rất khó đòi. Tuy nhiên, ngân hàng đã chỉ đạo tất cả hệ thống ngân hàng thực hiện giãn, hoãn, cho vay mới để người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.
 
Bộ ngành khẩn trương vào cuộc
 
Một vấn đề nhiều nông dân đặt ra tại hội nghị, đó là tình trạng nông sản mất mùa mới được giá, dịch bệnh bủa vây ngành chăn nuôi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, hình thành các khu vực chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững; Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng tìm kiếm các đối tác lớn đưa sản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao tỷ lệ sản phẩm sau chế biến.
 
Người dân đến từ Phú Yên, Khánh Hòa nêu vấn đề quy hoạch phát triển ngành nuôi trông thủy sản cũng như quan tâm đến vấn đề ngư trường đánh bắt hợp pháp. Thủ tướng rất hoan nghênh việc ngư dân đã chú ý đến việc nuôi trồng thay vì đánh bắt. Theo đó, sắp tới, Nhà nước sẽ hạn chế việc khai thác, đánh bắt tự nhiên, hỗ trợ người dân nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị cao. Các bộ ngành liên quan đã và đang xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Thủ tướng lưu ý ngư dân cần tuân thủ các khu vực khai thác thủy sản hợp pháp.
 
Ngoài ra, người dân phản ánh thực trạng tín dụng đen hoành hành vùng nông thôn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục vào cuộc, điều tra xử lý triệt để đường dây cho vay nặng lãi; đồng thời yêu cầu ngân hàng giảm tối đa các thủ tục vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vay hợp pháp, tránh sa vào bẫy tín dụng đen...
 
“Tôi yêu cầu các Bộ, ngành ngay sau hội nghị đối thoại cần bắt tay vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà bà con đã nêu lên. Bộ NN&PTNT cần bám sát nhiệm vụ chiến lược, xây dựng các văn bản pháp luật, các chính sách liên quan đến việc quy hoạch, chuyển đổi, bố trí các cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên; Bộ Công Thương tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa các thị trường xuất khẩu nông sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân trên tinh thần cởi mở, minh bạch...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận.
 
Thủ tướng làm việc với Tỉnh ủy Ðắk Lắk
Chiều tối 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ðắk Lắk.
 
Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống sản xuất, nhưng 9 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 8,67%.
 
Ông Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ hệ thống đường giao thông kết nối với các tỉnh Gia Lai, Ðắk Nông, Phú Yên; làm tuyến đường cao tốc nối TP Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk) – Nha Trang (Khánh Hòa). “Nếu làm đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển kết nối rừng xuống biển, tạo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”, ông Cường nói. 
 
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tính khả thi, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Ðắk Lắk với các vùng kinh tế lớn của đất nước. 
 
Kết thúc hội nghị, 22 câu hỏi của nông dân đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ ngành liên quan giải đáp, tháo gỡ. Thủ tướng yêu cầu người dân tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn thách thức. Dù trong đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong đó có đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp.
 
VŨ LONG - HUỲNH THỦY

Người viết : admin


Copyright © 2012 http://www.amakong-khamphetlao.vn