Muốn làm chú voi bản Đôn có ngà nhưng vẫn ngây thơ

Thứ bảy, 07/07/2012, 17:34 GMT+7

Khăm Phết lào - Người thừa kế phương thuốc Amakong

Khăm Phét Lào chính là con trai thứ 11/21 của người được mệnh danh “vua voi” Ama Kông ấy. Anh cũng sinh ra tại buôn Trí, buôn Đôn, nơi căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi của ông nội “vua săn voi”- Khun Ju Nốp. Anh cũng chính là người được thừa kế bài thuốc bí truyền mang tên của chính cha mình - Ama Kông, sau nhiều năm bị một số người xâm phạm, lợi dụng nhằm trục lợi.

Bản Đôn là cách gọi của người Lào, còn người Ê Đê gọi là buôn Đôn. Vùng đất này gắn với nhiều huyền thoại, tên núi, tên sông của một vùng cao nguyên trữ tình rất nên thơ trong làng văn hóa du lịch Tây Nguyên. Đến đây, du khách được vui lòng với những chú voi chăm chỉ phục vụ, những chiếc lông đuôi voi được biến thành quà lưu niệm đặc trưng. Đặc biệt, du khách còn được gặp một nhân vật có một không hai ở Tây Nguyên- “vua voi” Ama Kông, người được mệnh danh có sức mạnh kì diệu và dẻo dai nhất vùng đất thiêng này đã ngoài tuổi 102. Và bên cạnh ông còn có người con trai Khăm Phét Lào, hàng ngày chăm lo cho bài thuốc nam bí truyền để lưu danh hậu thế…

 

Chuyện săn voi, không phải nghề đam mê của Khăm Phét Lào, nhưng anh rất rành kể chuyện. Khăm Phét Lào kể, ngay từ bé, anh cùng anh trai là Y Kông theo cha vào rừng săn voi và hái lá thuốc chữa bệnh, nhưng trời đã phân niềm đam mê cho 2 anh em khác nhau. Anh trai đầu là Y Kông thì mê theo cha săn voi. Y Kông đã săn được 37 con voi, dẫu không bằng thành tích của ông Khun Ju Nốp săn bắt được khoảng gần 500 con voi, trong đó có nhiều con voi đực 1 ngà; thành tích của cha Ama Kông săn được 298 con voi rừng, nhưng Y Kông vẫn tự hào về sự nối nghiệp của mình với cha ông. Bây giờ Y Kông là một già làng ở thị trấn Ea Súp, người luôn biết khuyên dạy lớp con cháu phải biết kế thừa truyền thống văn hóa đặc sắc của cha ông mình. Còn Khăm Phét Lào thì thích tìm hiểu, say mê với các loại lá cây chữa bệnh cho người, cho voi. Dẫu vậy, nhưng kí ức về những ngày tháng ở rừng thật khó quên ấy vẫn đi vào tâm trí Khăm Phét Lào.

Khăm Phét Lào kể rằng, bây giờ “vua voi” Ama Kông đã già nhưng khi nhắc đến chuyện săn voi, mắt ông vẫn sáng hẳn lên như có lửa. Ở tuổi già 102 nhưng ông vẫn luôn nhớ đội săn voi với những thanh niên cường tráng, dũng cảm, cưỡi trên các con voi to, cao, đi săn dưới sự chỉ huy của thợ săn lão luyện - Ama Kông. Rồi ông hình dung ra những chú voi rừng bị quăng thừng vào chân sau và bị bắt về nhà để thuần dưỡng…

Khăm Phét Lào kể về thành tích của người ông Khun Ju Nốp săn bắt gần 500 con voi, trong đó có nhiều con voi đực 1 ngà. Dân gian có câu: “Voi một ngà, đàn bà một mắt”, nhưng dù hung dữ thế nào cũng đều bị các thợ săn voi lão luyện ở buôn Đôn khống chế.

Voi đực một ngà bên phải, người M’Nông gọi là voi Dok, người Lào gọi là voi Bạc Êk; voi đực một ngà bên trái, người M’Nông gọi là Geng, người Lào gọi là Bạc Nai. Đặc biệt, lúc sinh thời, ông Khun Ju Nốp là người còn săn được con voi đực màu trắng. Theo phong tục, chỉ có các bậc vua chúa mới được sử dụng voi trắng nên ông đem con voi này biếu cho vua nước Xiêm La bấy giờ và được ông vua này phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp, nghĩa là “vua săn voi”.

Nghề săn voi, Khun Ju Nốp vinh danh nhưng cuộc đời lại bi kịch, dù thọ đến 110 tuổi, nhưng vẫn không có con trai nối dõi. Ngôi nhà sàn của “vua săn voi” lớn nhất vùng bản Đôn, nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk bây giờ đã có tuổi thọ hàng trăm năm từng được Khun Ju Nốp mua với giá 12 con voi đực có cặp ngà lớn. Sau khi Khun Ju Nốp qua đời, do không có con trai nối dõi nên ngôi nhà được giao lại cho Ama Kông, cháu của “vua săn voi”. Hiện ngôi nhà là một điểm du lịch thuộc Trung tâm Du lịch sinh thái văn hóa bản Đôn. Kỷ vật còn lại duy nhất của “vua săn voi” Khun Ju Nốp là chiếc mâm đồng. Đây là chiếc mâm mà Khun Ju Nốp thường dùng để cúng voi khi ông sang Lào săn voi.

Khăm Phét Lào kể câu chuyện bài thuốc nam gia truyền, tráng dương, bổ thận được ca ngợi hết lời từng bị tranh giành một cách quyết liệt về sự kế thừa bản quyền sản phẩm cũng có số phận lịch sử của nó. Vợ đầu của Ama Kông là H’Nô, con ruột của Y Leo. Y Leo là em ruột của Y Thu và Y Ki. Y Thu (Khun Ju Nốp) không có con nên khi Ama Kông và H’Nô còn nhỏ đã được vua săn voi Y Thu đưa về nuôi và sau đó cho 2 người lấy nhau thành vợ chồng. Đây là cuộc hôn nhân bất thường vì cùng huyết thống (con anh em ruột lấy nhau), nhưng theo lý giải vì khi ấy anh em Y Thu - Y Ki - Y Leo từ Đôn Thâu, Pắc Xế (Lào) sang lập nghiệp ở vùng bản Đôn, săn được nhiều voi và thú rừng trở nên giàu có nhất khu vực nên họ quyết định cho con cái lấy nhau để không phải chia của cải cho người ngoài dòng tộc.

 

Khăm Phét Lào trao tiền cho đồng bào nghèo.

 

Nhưng mối tình đầu của Ama Kông đẫm nước mắt khi chia lìa, còn mối tình sau kết thúc bằng sự ly hôn. Hồng Khăm nhỏ hơn Ama Kông hơn 50 tuổi nhưng khi gặp nhau nàng lại muốn ngỏ ý cưới Ama Kông làm chồng. Rồi ngày ngày, Ama Kông cưỡi voi vào rừng hái thuốc về bán để chăm lo cho người đẹp. Từ đó bài thuốc T’klơng M’lêng trở thành mặt hàng bán đắt hơn tôm tươi, nổi danh trong khắp thiên hạ và tạo lòng tham cho nhiều người muốn tìm cách chiếm đoạt, dẫn đến kiện tụng.

Sau đó, Khăm Phét Lào ra tay quyết liệt thì Sở Y tế Đắk Lắk đã cấp cho Khăm Phét Lào giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền Ama Kông. Khăm Phét Lào, người được Ama Kông truyền nghề thuốc và được thừa kế thương hiệu thuốc của Ama Kông. Bài thuốc cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ ký Quyết định số 72097, ngày 24/11/2008 chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu kế thừa bài thuốc nam gia truyền chuyên trị đau lưng, nhức mỏi, kém ăn, mất ngủ, khớp, bổ thận tráng dương của Ama Kông. Bài thuốc ấy càng có giá khi trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít người trở thành nạn nhân của tệ ăn nhậu, chơi bời nên sớm bị bất lực và bài thuốc trị chứng “trên bảo dưới không nghe” ấy lại càng được tôn vinh như “thuốc thần”. 

Bây giờ, tuy thuốc mang nhãn hiệu Ama Kông được bày bán khắp nơi, nhưng đó không phải chính thuốc Khăm Phét Lào làm ra. Vì vậy mới có người vượt hàng nghìn cây số đến ngôi nhà nho nhỏ ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk để đích thân gặp Khăm Phét Lào mua thuốc. Nhà Khăm Phét Lào luôn treo trang trọng bộ đồ nghề săn bắt voi có từ thời ông Khun Ju Nốp để lại.

Khăm Phét Lào kể, nếu không có nghề săn bắt voi trước kia thì bài thuốc bí truyền ấy cũng không lưu giữ. Những vật dụng này được làm từ da bò tót, da mịn, rất chắc chắn. Khi phát hiện voi rừng, đàn voi nhà lập tức dàn trận, dưới sự chỉ huy của nài voi đầu đàn, tập trung tấn công vào con voi muốn bắt. Sau khi đã bắt giữ được voi rừng, người ta dùng dụng cụ có tên Mây Kạnh Thưng, như là một chiếc thòng lọng dùng để trói chân voi. Và lấy một dụng cụ khác tên là Nhôn lồng vào cổ, buộc vào cây.

Khăm Phét Lào cho biết nếu có những con voi bị thương thì sẽ hái thuốc trên rừng để chữa. Và vào năm 2009, Khăm Phét Lào cũng được mời ra tại Hà Nội để chữa bệnh cho voi Khăm Bun bị thương. Chính nghề săn bắt, thuần dưỡng, chữa trị cho voi rừng ấy, Khăm Phét Lào đã được cha hướng dẫn những loại thảo dược quý có sẵn trong tự nhiên một cách thông thạo. Kết hợp cùng những kiến thức học qua đông y, Khăm Phét Lào đã pha chế và bổ sung thêm một số vị thuốc đặc biệt vào trong công thức bí truyền ấy nên làm cho bài thuốc Ama Kông do Khăm Phét Lào sao chế không ai có thể thay thế được. Đó cũng chính là sự bí truyền mà Khăm Phét Lào không bao giờ tiết lộ.

Khăm Phét Lào khẳng định, giá trị của bài thuốc Ama Kông có nhiều tác dụng, nhưng mọi người đừng lầm tưởng đây là một loại viagra. Cái hay rất đơn giản, khi sử dụng thuốc, mọi người ăn được, ngủ được, cải thiện sức khỏe thì tất nhiên mặt sinh lý cũng được cải thiện.

Nhiều lần gặp Khăm Phét Lào, tôi hỏi sao anh không mở đại lý cửa hàng trên cả nước mà bán thuốc. Khăm Phét Lào bảo rằng, mình giữ bài thuốc không phải mục đích để làm giàu mà giữ cái vốn quý từ cha ông để lại giúp dân. Mỗi khi bán thuốc có tiền, ông tự nguyện đi làm từ thiện cho người nghèo. Có người khó khăn đến mua thuốc, ông lại cho không lấy tiền.

Khăm Phét Lào hiểu khá sâu sắc về văn hóa dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Anh luôn có tấm lòng tốt, hòa hảo với mọi người, thương yêu người nghèo khổ nhưng rất ghét những ai có ý đồ lợi dụng. Anh bảo: “Tôi thích bài hát Chú voi trên bản Đôn. Và anh thích chú voi ấy “tuy có ngà nhưng vẫn trẻ con” chứ không phải “tuy không ngà nhưng vẫn trẻ con”. Bởi, không ngà nhưng vẫn trẻ con thì không có gì để hát. Nói vậy, rồi Khăm Phét Lào cười và bảo: “Mình đã già nhưng vẫn muốn trở lại tâm hồn trẻ thơ để được vô tư hơn. Vô tư để bớt đi những chuyện sân si, hơn thua ở đời mà đỡ gây ra tội ác…”


 

  Ngọc Như

Người viết : Song Khoa